17 thg 6, 2009

Nỗi đau tột cùng của người vợ phi công tử nạn

(Zing) - "Ba tuần nữa em sinh, chồng em đã đặt tên cho con trai của chúng em. Thế mà anh ấy đi luôn...". Người vợ trẻ của anh phi công tử nạn do máy bay quân sự rơi ở Thanh Hóa thổn thức.

>>Máy bay quân sự rơi ở Thanh Hóa đã hết hạn sử dụng

>>Máy bay bốc cháy trên cánh đồng Thanh Hóa

Nỗi đau tột cùng của người vợ phi công tử nạn

Vợ chồng anh Nghị trong ngày ăn hỏi.

Vụ tai nạn hiếm thấy

Khoảng 7h30 sáng ngày 9/6, một máy bay quân sự mang nhãn hiệu SU22 đang bay trên địa phận xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) thì bất ngờ lao xuống khu vực đồi bãi Chiêng, trong cánh đồng trồng ngô của nhà ông Lê Xuân Thế, ở thôn Lạc Long 2, xã Cẩm Phú (huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hóa) và bốc cháy nghi ngút.

Người phi công tử nạn là Đại uý Trần Thanh Nghị, quê gốc ở Hải Dương. Anh Nghị sinh năm 1976, tốt nghiệp Học viện Phòng không - Không quân năm 2002 với quân hàm thiếu úy, được điều về Phi đoàn 2, Trung đoàn Không quân Tiêm kích thuộc Sư đoàn 372 (Thị trấn Sao Vàng, Thanh Hóa). Khi hy sinh, anh là Biên đội trưởng, phi công cấp 3 và có nhiều kinh nghiệm với trên 500 giờ bay. Gia đình và đồng đội đều khẳng định anh là một phi công máy bay phản lực xuất sắc. Cùng tuổi với anh, ít người được thăng quân hàm Đại úy, có “vốn” 500 giờ bay và đã là phi công cấp 3.

Nỗi đau tột cùng của người vợ phi công tử nạn

Anh Nghị trong một lần huấn luyện nhảy dù.

Nỗi đau tột cùng

Khi chúng tôi tìm đến gặp vợ đại úy Nghị, chị Trang đang bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai, khoảng 3 tuần nữa sẽ sinh. Nỗi đau mất chồng của chị khó có thể diễn tả mà chỉ thấy hiện ra trên khuôn mặt của người phụ nữ 27 tuổi. Mới từ trong nhà bước ra phòng khách, nơi có ban thờ của chồng, Trang đã khóc.

“Em dỗi chồng em cả tuần, không thắp nén hương nào hết. Anh ấy không kịp nói với em câu nào đã ra đi. Mọi người bảo như thế chồng em khó về với mẹ con em được nên em mới hết giận. Từ trước tới giờ, chưa bao giờ vợ chồng em giận nhau quá vài tiếng. Anh yêu vợ con lắm” – chị Trang cứ tự nhiên cho nước mắt chảy, tự nhiên nhớ đến kỷ niệm với chồng và kể.

Trang nhớ như in, hàng ngày, 7h chồng đã gọi điện về gọi hai mẹ con cô dậy, còn anh thì đi học, hoặc đi bay. Chiều cũng học bay, cuối giờ chơi thể thao, sau đó ăn tối, lại học và đi ngủ. Ngày nào, lịch sinh hoạt của anh cũng như vậy, chị Trang thuộc làu làu. Hôm ấy, có lẽ vì phải đi bay sớm nên Nghị đã không gọi điện đánh thức vợ như mọi khi. Khoảng 8h thì cô nhận được tin dữ nói rằng máy bay của chồng cô gặp nạn. Nhưng người báo tin cho cô nói: "Em cứ yên tâm, chắc chồng em đã bật dù, lệnh bật dù được đưa ra cách lúc máy bay nổ 5 phút."

"Em thấy đất dưới chân sụt xuống, nằm tiếp nước mà em vẫn hy vọng. 5 phút, chồng em chắc chắn bật dù thoát ra khỏi máy bay được. Anh là phi công có nhiều kinh nghiệm. Kể cả máy bay rơi xuống sát mặt đất, chỉ cần nhấn một cái..." - nước mắt cô lại giàn giụa.

Bố đẻ của chị Trang, là bố vợ của phi công Nghị thì bình tĩnh hơn một chút. Ông kể: Nghị là phi công lái máy bay phản lực, cứ nói nôm na là phi công giỏi của giới phi công. Gia đình được đơn vị cho biết, cháu Nghị đã cố gắng điều khiển chiếc máy bay ra khỏi khu dân cư mặc dù trước khi máy rơi, cháu đã được lệnh nhảy khỏi máy bay. Nhưng máy bay rơi tự do thì có thể rơi vào nhà dân, không biết bao nhiêu người sẽ chết. Là bộ đội, đâu dám để dân thiệt thòi. Khi máy bay rơi, chỉ cách nơi đang tổ chức một lễ tang khoảng một, hai trăm mét. Gia đình mất con nhưng cũng rất tự hào, nếu cháu không hy sinh thì rất có thể nhiều gia đình dân thường khác bị nạn.

Nỗi đau tột cùng của người vợ phi công tử nạn

Bức ảnh gần đây nhất của gia đình anh Nghị khi anh trực Tết và vợ con vào đơn vị đón Tết cùng.

Cô con gái Thanh Tú hơn 3 tuổi của vợ chồng anh Nghị thì thỉnh thoảng lại vỗ về mẹ. Cô bé bảo: "Bố Nghị hư lắm, bố về với đá với đất rồi". Mỗi khi ăn cái gì, cô bé lại mang ra bàn thờ bố bảo: "Con tặng bố Nghị".

"26/6 là sinh nhật chồng em. Ngày nào cũng nói chuyện nên em chưa hỏi chồng xem có được về vào ngày đó không. Cứ 3 hay 4 tuần thì anh được về nhà một lần. Đêm thứ 6 về tới nhà, trưa chủ nhật lại đi. Có lần đi vào đơn vị, mẹ em thấy trong ví anh chỉ có 50.000 đồng, đưa thêm cho anh 100.000 mà anh nhất định không lấy. Mẹ em lại phải bắt em đưa, bà sợ anh e không cầm tiền của mẹ vợ. Nhưng ở nhà em, bố mẹ em không phân biệt con trai, con dâu, con rể." Nói tới đó thôi thì hai mẹ con Trang lại tựa vào nhau khóc. Cô thổn thức như gắt với chồng: "Chồng chỉ cần nhấn nút một cái thôi thì đã về được với mẹ con em. Cụt chân, cụt tay cũng được."

Khó có thể an ủi Trang, suốt gần nửa tháng, chị vẫn cứ đi ra đi vào, khóc lóc như thế. "Các anh trong đơn vị bảo sau đợt học này, chồng em sẽ xin nghỉ phép để chăm vợ, vì sợ sang tháng 7 em sinh anh ấy lại phải học. Em cứ đợi mãi. Ngày nào em cũng chỉ biết nhìn cái điện thoại, đợi chồng gọi cho em..."

Chia tay người thiếu phụ trẻ ra về mà chúng tôi như vẫn ám ảnh bởi nỗi đau riêng tư của Trang. Người thiếu phụ trẻ không có việc làm, không có nhà ở, phải nương nhờ nhà bố mẹ đẻ, lại sắp phải một mình chăm, nuôi cả hai đứa con sẽ vượt qua nỗi đau ra sao...

Mai Phương

0 comments:

Đăng nhận xét