Theo Sai Gòn Tiếp Thị
(click vào tiêu đề để xem link gốc)
SGTT - Trung Quốc là nhà máy của toàn thế giới và hàng Trung Quốc có mặt khắp các châu lục. Chúng ta chắc chắn sẽ còn sống chung với hàng Trung Quốc và việc hợp tác kinh tế với họ, qua lại với họ về sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ là điều không thể tránh khỏi. Song đó là một chiến lược lớn cần đề cập căn cơ, quan niệm tỉnh táo và có tầm nhìn, định hướng lâu dài, hai bên cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng nhau chứ không được áp đặt, lấn lướt giành phần khôn, phần lợi về mình.
Một chiến lược giao thương và hợp tác kinh tế với Trung Quốc trong tình hình mới hiện nay cần được bàn luận trong toàn dân để Nhà nước trên cơ sở đó mà có quyết sách hợp lòng dân. Khi có quyết sách hợp lòng dân thì Nhà nước ta mới đủ sức mạnh đàm phán và làm ăn với anh bạn lớn, đủ sức đương đầu vượt qua những lá lay, lấn lướt thường thấy lâu nay.
Riêng về vấn đề “nhà nhà đánh hàng, bán hàng Trung Quốc” hiện đang xảy ra thì theo tôi có hai biện pháp cần quan tâm sớm:
1. Doanh nghiệp Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam cần có đầy đủ thông tin về đối sách Trung Quốc đang sử dụng cho thị trường Việt Nam, về chiến lược lâu dài cũng như các sách lược, các chiêu thức, kỹ xảo của Trung Quốc đang áp dụng cho Việt Nam.
Họ có đội ngũ nghiên cứu giỏi, được trang cấp mọi phương tiện và có nhiều kênh thông tin cấp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp. Một công ty dệt may vừa đi mua nguyên phụ liệu ở Trung Quốc kể rằng đã bị nhiều nhà bán lẻ Trung Quốc chặn hỏi, phải chăng Nhà nước Việt Nam đang có chiến dịch đưa hàng dệt may Việt Nam về tranh chỗ của hàng dệt may Trung Quốc ở nông thôn Việt?
Trung Quốc hiện tiến hành một cuộc xâm nhập có tính chất toàn diện đối với Việt Nam (kinh tế, chính trị, đầu tư, thương mại, xã hội, văn hoá…) và những chính sách, biện pháp cụ thể là gì? Nhiều điều khoản bất công trong giao thương với đối tác nước ngoài, trong đó có Việt Nam đã được chính báo chí Trung Quốc bức xúc công khai nhưng các thông tin này hoàn toàn bị bưng bít đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam. Các cơ quan chức năng Việt Nam có nắm rõ không các điều khoản bất công này để tư vấn cho doanh nghiệp mình?
Khi nhiều hãng buôn Trung Quốc đồng loạt mở mặt trận tuyên truyền về mọi sự thuận lợi, dễ dàng, hiệu quả để buôn hàng Trung Quốc thì thông tin về những cú lừa đảo hàng chục tỉ đồng của giới thương buôn Trung Quốc với mặt hàng nguyên liệu may mặc, điện tử làm điêu đứng các siêu thị tên tuổi của Việt Nam, các công ty dệt may lớn của Việt Nam lại bị che giấu kỹ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập máy móc Trung Quốc, nhập nhầm rác thải công nghệ, thiết bị lạc hậu đành ôm hận trùm mền, và các sự việc này không được thông tin khiến nhiều công ty khác tiếp tục vướng bẫy. Nhiều nhà buôn Việt Nam nhắm mắt tiếp tục nhập khẩu hàng hoá của những hãng Trung Quốc bị cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm đã không được thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng Việt Nam, đến đỗi báo chí Trung Quốc phải lên tiếng về những sự bất công, mập mờ mưu lợi bất chính của doanh nghiệp Trung Quốc với các đối tác nước ngoài.
2. Giành lấy chủ quyền thương mại trên thị trường đất nước mình.
Báo chí cần nêu đích danh những cơ quan chức năng nào “nối giáo” cho kẻ ngang nhiên gian lận thương mại, ăn cắp thị trường và thị phần của doanh nghiệp Việt Nam |
Vào thời buổi Nhà nước Trung Quốc hô hào các nhà kinh doanh Trung Quốc phải quan tâm hơn tới thị trường nội địa của họ, cũng như các quốc gia khác đều phải chú trọng tăng cầu nội địa để đối phó khủng hoảng, thì không thể chấp nhận những chiêu thức gian lận thương mại, không chính đáng, không hợp pháp để hàng Trung Quốc giành lấy phần của hàng Việt Nam trên thị trường Việt Nam. Họ đang ra sức đẩy hàng dội khẩu sang các nước lân cận, họ chẳng giấu giếm gì và ta cũng biết thừa. Nhưng cùng với việc gia tăng các hàng rào kỹ thuật đối với hàng Việt Nam, gây khó khăn đủ điều cho việc nhập hàng Việt Nam thì họ khuyến khích, dung túng mọi hình thức đi buôn hàng Trung Quốc không đóng thuế, không chính ngạch, chuyển ngân cũng không đóng thuế.
Khi họ công bố cấm tàu đánh cá Việt Nam đánh cá trên vùng biển của Việt Nam, sao họ có thể đẩy hàng lậu và hàng giả ồ ạt sang ta? Tất nhiên muốn hàng lậu và hàng giả ngon trớn vào Việt Nam thì phải có sự hợp lực của phía họ lẫn cơ quan chức năng của mình. Biên giới dài rộng, một gánh hàng của ta vào họ không lọt nhưng hàng tấn tấn hàng của họ vào ta ngon ơ, vì sao? Vì sao mà doanh nghiệp Việt Nam ngay tại thành phố này, chỉ mới trưng bảng giảm giá 70% đã tức thì bị quản lý thị trường lập biên bản phạt tội bán phá giá (than ôi thời buổi bị hàng Trung Quốc áp sát, giảm giá tới 70% còn chưa “xi nhê”) mà cả một khu chợ tưng bừng giữa quận 1 Sài Gòn bán toàn đồ giả nhập từ Trung Quốc, mỗi ngày huỷ hoại sức cạnh tranh của biết bao doanh nghiệp may mặc lương thiện của Việt Nam, cứ nhơn nhơn phát triển?
Với tất cả hàng bán dưới giá thành bình thường, cơ quan chức năng cứ truy hỏi nguồn gốc, hoá đơn là thấy ngay xuất xứ hàng hoá và dễ xử quá chừng, sao không làm được? Hãy truy hỏi công bằng như đối với mọi doanh nghiệp Việt Nam có trưng bảng kinh doanh đàng hoàng, đầu tư thương hiệu nghiêm túc, để có được một cuộc cạnh tranh ngang bằng, không cần thiên vị chút nào với doanh nghiệp trong nước.
Chúng ta biết là giữa hội chợ Quảng Châu, hàng đẹp như mơ không có nhãn mác được bày bán công khai. Hỏi vì sao, họ nói, họ chờ người mua yêu cầu nhãn gì thì gắn nhãn đó. Made in Vietnam đầy dẫy. Họ cũng hướng dẫn, và cung cấp luôn dịch vụ chuyển hàng qua Singapore, Hong Kong, Malaysia để xoá hẵn gốc Trung Quốc.
Thực tế là hàng Trung Quốc, nếu nhập chính ngạch, vào siêu thị hay cửa hàng lớn của Việt Nam thì giá đắt hơn hàng Việt Nam cùng đẳng cấp. Họ phải cạnh tranh ngang bằng như vậy, không thể ngang ngạnh cấm người ta đánh cá trên biển người ta mà lại thản nhiên đẩy hàng lậu, hàng giả vào thị trường người ta không xấu hổ.
Báo chí cần nêu đích danh những cơ quan chức năng nào “nối giáo” cho kẻ ngang nhiên gian lận thương mại, ăn cắp thị trường và thị phần của doanh nghiệp Việt Nam.
Trên đây là hai giải pháp nhất thời. Còn chuyện “chiến đấu” công bằng với quyền lực mềm, cuộc chiến mềm với hàng lậu và hàng giả Trung Quốc, làm sao hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác và cạnh tranh với hàng Trung Quốc về lâu dài là một câu chuyện dài. Chuyện dài nhưng đã bức bách như lửa cháy phừng phừng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đành lòng nhắm mắt chọn giải pháp đóng máy, cho thợ tạm nghỉ, đưa hàng sang gia công bên Tàu về bán, lời hơn và thị trường Việt Nam ngày càng cam tâm là nơi ưu tiên tiêu thụ hàng Trung Quốc. Lửa cháy vậy mà cơ quan chức năng nguội lạnh, doanh nghiệp thì rời rạc, loay hoay tìm lối thoát. Đó cũng là câu chuyện lớn rất thực tế về sự tồn tại của nền kinh tế Việt Nam.
Kim Hạnh
0 comments:
Đăng nhận xét